Có nghĩa cần "chẻ" Petrolimex ra làm vài DN có thị phần như nhau, đừng để một Petrolimex với thị phần xăng dầu chiếm tới 50-60% như vậy.
Nội dung nổi bật:
- Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Phòng Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng nên chia Petrolimex thành nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu độc lập có thị phần tương đương nhau để tăng sức cạnh tranh.
Nếu Petrolimex tăng hay giảm giá thì các DN xăng dầu khác không thể không theo vì thị phần của họ quá lớn, như vậy đâu có giá thị trường với xăng dầu, thưa ông?
- Với vị trí thống lĩnh của Petrolimex thì chắc chắn khó tránh được việc giá xăng dầu sẽ vận động như vậy. Do vậy, tôi cho rằng, trước khi để cho DN quyền tự quyết giá xăng dầu thì trước hết phải phi tập trung hóa Petrolimex.
Hiện tập đoàn này quá to. Nếu chúng ta cho quyền tự quyết về giá cho DN thì quản lý của Nhà nước kiểu gì cũng không hiệu quả. Nhà nước sẽ không thể nào giám sát, kiểm tra được sự thống lĩnh của DN đã có trên thị trường. Lỗi này không phải do Nhà nước mà do sự thống lĩnh DN mà ra.
Ông có thể nói rõ hơn việc "phi tập trung hóa Petrolimex" là như thế nào không?
- Có nghĩa cần "chẻ" Petrolimex ra làm vài DN có thị phần như nhau, đừng để một Petrolimex với thị phần xăng dầu chiếm tới 50-60% như vậy. Giống như viễn thông, các ông lớn như Mobifone, Vinaphone, Viettel... mỗi DN có một thị phần ngang nhau thì lúc đó giá sẽ tự nhiên có sự cạnh tranh.
Thị trường viễn thông đã cho thấy bài học rất rõ, giá viễn thông của VN hiện rất cạnh tranh và rẻ vô cùng, nông dân cũng có thể dùng điện thoại thoải mái. Tôi cho thị trường xăng dầu của VN cũng hoàn toàn có thể cạnh tranh, giá lên xuống theo giá thị trường nếu chúng ta mạnh dạn cải tổ.
Vậy theo ông, để "mạnh dạn cải tổ" thì chúng ta cần phải làm gì?
- Chúng ta chỉ cần vài DN lớn nhập khẩu với hàng trăm cửa hàng trực thuộc vài DN lớn như thế. Cứ để giá xăng dầu lên xuống theo thị trường. DN nào nhập hàng rẻ hơn thì bán rẻ hơn. Nhà nước chỉ kiểm tra, can thiệp đúng việc của Nhà nước, còn để DN tự cạnh tranh, DN nào giỏi thì sống, kém thì chết. DN nào lỗ thì giải thể, bán hoặc sáp nhập...
Với cơ chế như thế buộc DN phải quản lý tốt để tự cạnh tranh... Chúng ta đừng để Petrolimex gần như độc quyền về kinh doanh xăng dầu, phải “chẻ” Petrolimex ra. Ban đầu Nhà nước có thể có các chính sách hỗ trợ cho các DN nhưng sau đó sẽ để các DN tự lớn mạnh, mở rộng hoạt động và cạnh tranh.
Giá xăng dầu có thể khác nhau, cơ quan quản lý chỉ kiểm tra, giám sát việc chấp hành giá của các DN, xem có sự thông đồng, làm giá trong kinh doanh xăng dầu hay không. Làm được như vậy, thì việc ra một nghị định mới về xăng dầu sẽ đơn giản đi nhiều và ít bị tranh luận.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Phương
Dân Việt