Tin 24h :
Home » » Vốn ngoại trở lại

Vốn ngoại trở lại

Sự trở lại của hai quỹ đầu tư chỉ số (ETF) giúp thị trường trở nên sôi động hẳn.
Đọc E_paper

Tăng vốn mua hàng
Việc rút vốn ròng của các quỹ này có ảnh hưởng khá lớn đến thị trường, đặc biệt là về mặt tâm lý. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, thị trường đã giảm thiểu được các biến động bất thường từ phía nhóm ngoại do các ETF đã hoàn tất việc tái cơ cấu danh mục, vì vậy, thị trường nhờ đó sẽ bắt đầu có những tín hiệu mua vào tại một số mã cổ phiếu, giúp thanh khoản được cải thiện đáng kể.
Tính riêng tuần vừa qua, khối ngoại đã mua vào 48,22 triệu cổ phiếu SHB và đây đa phần là do Market Vector ETF mua để nâng tỷ trọng SHB trong danh mục lên 4,36% NAV.
Đơn cử, trong phiên ngày 20/9, Quỹ Market Vector mua vào rất nhiều mã chứng khoán, trong đó, SHB, PVF, VCG giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu.
Chỉ trong 15 phút cuối ATC, Market Vector đã mua vào 25,5 triệu cổ phiếu SHB, nâng tổng số cổ phiếu SHB khối ngoại mua vào trong phiên hôm đó lên 35.434.900 cổ phiếu, cao nhất từ trước tới nay tại SHB. Khối lượng giao dịch của SHB ngày hôm đó cũng lên tới hơn 36,6 triệu cổ phiếu.
Tại sàn HOSE, PVF giao dịch 2 triệu cổ phiếu, SJS giao dịch 2,88 triệu cổ phiếu, STB giao dịch 1,9 triệu cổ phiếu, DRC, HAG giao dịch hơn 2 triệu cổ phiếu và đây đều là "tác phẩm" của khối ngoại và hai quỹ ETF.
Trong đó, PVF đã có cuộc "lội ngược dòng" và trở thành tâm điểm của cả thị trường. Đầu phiên do áp lực bán từ khối ngoại nên PVF giảm sàn, nhưng cầu bắt đáy PVF tăng dần về cuối phiên khiến mã này có dư mua trần hơn 1triệu cổ phiếu.
PVF hôm ấy khớp lệnh hơn 24 triệu cổ phiếu, chiếm 29% tổng KLGD khớp lệnh sàn HOSE phiên cuối tuần. Một số cổ phiếu khác được khối ngoại mua mạnh có GMD (mua 872 ngàn cổ phiếu), DPM, HPG (mua hơn 600 ngàn cổ phiếu).
Có thể nói, nhờ cuộc "tổng tấn công" của khối ngoại giúp thị trường sôi động hẳn. Khối lượng và giá trị giao dịch tăng lên tương ứng với lượng mua bán của ETF.
Hay nói theo nhận định của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), CPI tháng 9 được công bố trở thành điểm khích lệ nhỏ đối với lực cầu của thị trường.
Ngoài ra, kể từ tháng 10, chu kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III cũng sẽ diễn ra và có thể là nguyên nhân phân hóa các cổ phiếu. Theo FPTS, điều này đã tác động không nhỏ đến nhà đầu tư nên xu hướng mua vào đang được xác lập.
Không bền vững
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, sự sôi động này sẽ không kéo dài vì mục đích của sự trở lại của khối ngoại lần này không phải đầu tư dài hạn mà đến kỳ thoái vốn.
Đó là lý do mà các nhà đầu tư có kinh nghiệm nói rằng, thị trường "nín thở" chờ ETF "ném bom" trong các phiên ATC bởi hiện tại quỹ này còn phải mua vào một lượng rất lớn SHB, DRC.
Khả năng Market Vector đã bán xong lượng PVF nắm giữ (gần 14 triệu cổ phiếu) do phiên này thanh khoản PVF rất cao và đây là "cơ hội vàng" cho các quỹ ETF thoái vốn khỏi thị trường.
Thừa nhận điều này, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cho rằng, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy, chưa cho tín hiệu rõ nét về khả năng có thể xác lập lại được xu thế tăng ngắn hạn.
Do đó, nhà đầu tư chỉ nên giữ một tỷ trọng cổ phiếu thấp và có thể tận dụng các phiên thị trường tăng điểm để bán giá cao rồi đợi các phiên điều chỉnh để mua lại tại các vùng giá thấp hơn.
Theo phân tích của các công ty chứng khoán, xu thế giảm điểm vẫn đang chi phối và những thông tin tốt không tạo được những ảnh hưởng tương xứng. Nói như vậy, việc thoái vốn không hẳn là không có những thương vụ nhìn tưởng như là đầu tư sinh lời mà còn tồn tại rất nhiều nghi vấn.
Chẳng hạn, gần đây VCG gây bất ngờ với nhà đầu tư khi gọn gàng chuyển nhượng 10,2 triệu cổ phần XMC cho một công ty TNHH. Giá bán là 10.000 đồng/cổ phần và vấn đề ở đây là từ lâu XMC chỉ được giao dịch với giá xung quanh 6.000 đồng/cổ phần kèm theo cái án cảnh báo trên HSX vì thua lỗ năm 2012.
Đồng quan điểm, chuyên viên phân tích của Maybank Kim Eng (MBKE), thị trường bên ngoài đang có tiến triển rất thuận lợi. Chỉ số MSCI EMs Index tiếp tục tăng lên mức cao mới 1.001 điểm, mức cao nhất kể từ đợt phục hồi cuối tháng 6. Điều này dẫn tới việc khối ngoại mua ròng 1,8 triệu cổ phiếu trong phiên.
"Họ mua ròng tại một số cổ phiếu như CSM, DPM, DRC, PVD, PVT và VCB. Riêng với cổ phiếu VCB, dường như khối ngoại đã đảo chiều từ việc bán ròng trước đây sang mua ròng: họ đã mua vào vài phiên gần đây với cổ phiếu này.
Tuy nhiên, trên phương diện kỹ thuật, triển vọng của VN-Index chưa có sự thay đổi. Một số cổ phiếu như DPM, DRC, HPG, PVT... mạnh hơn thị trường và là các mã nên tiếp tục được duy trì trong danh mục.
"Ngoài một số mã vốn hóa cao hoặc mạnh hơn mức chung, các mã vốn hóa nhỏ chưa có triển vọng rõ ràng", chuyên viên phân tích MBKE nói. Quả vậy, có vẻ như các Quỹ ETFs đang cố gắng hoàn tất phần lớn việc xem lại danh mục.
Do vậy, trong thời điểm hiện tại, nhà đầu tư trong nước không nên chỉ nhìn vào các chỉ số để tham gia vào thị trường. Việc quan sát kỹ lưỡng vẫn cần được đề cao trước những tình hình chưa có nhiều khả quan của kinh tế Việt Nam cũng như áp lực rút vốn từ khối ngoại có thể đến bất cứ lúc nào nếu gói kích thích kinh tế Mỹ QE3 bị cắt giảm.

TRIỀU ANH
Chia sẻ bài viết :