Ông Abe từng nói rằng liều thuốc mạnh của ông là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản giữ vững được sức mạnh trên trường quốc tế. Thậm chí, Abenomics còn được coi là vấn đề thuộc về an ninh quốc gia.
Là Thủ tướng thứ 6 của Nhật Bản chỉ trong 6 năm trở lại đây, Shinzo Abe có một kế hoạch táo bạo để đảm bảo chắc chắn rằng ông sẽ có thể an vị. Có thể ví von những chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe (Abenomics) giống như một “liệu pháp sốc” được kê đơn cho nền kinh tế vốn đã trì trệ trong suốt 20 năm qua và bị Trung Quốc soán ngôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ năm 2010.
Abenomics hoàn toàn khác biệt với các chính sách kinh tế được áp dụng bởi các nhà lãnh đạo trước đó cả về mặt kinh tế cũng như về chính trị. Ông Abe từng nói với các cử tri rằng liều thuốc mạnh của ông là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản giữ vững được sức mạnh trên trường quốc tế. Thậm chí, Abenomics còn được coi là vấn đề thuộc về an ninh quốc gia.
Bối cảnh triển khai
Kể từ khi bong bóng trên thị trường bất động sản và TTCK vỡ tung hồi đầu những năm 1990, các công ty Nhật Bản đã tập trung vào việc cắt giảm nợ và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Lương không tăng lên hoặc tăng rất chậm khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Điều này dẫn đến hai thập kỷ mất mát của Nhật Bản, với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa bằng 0. Giá các loại hàng hóa như thực phẩm tương sống và rượu liên tục sụt giảm, tạo nên hiện tượng giảm phát.Thảm họa động đất sóng thần và khủng hoảng hạt nhân năm 2011 càng khiến tình hình trở nên tồi tệ.
Tạo nên tăng trưởng ở một quốc gia với dân số bị già hóa và ngày càng teo tóp đã trở thành chướng ngại vật khó có thể vượt qua và khiến nhiều Thủ tướng phải ra đi. Chính bản thân ông Abe cũng từng thất bại trong năm 2006 với nhiệm kỳ đầu tiên kéo dài trong 12 tháng.
Lần này, NHTW Nhật Bản đã chung tay hành động với các nhà hoạch định chính sách và lập ra mục tiêu lạm phát 2%. Đây được coi là một sự thay đổi lớn được so sánh với những lần nâng lãi suất liên tiếp nhằm chấm dứt lạm phát mà cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đã áp dụng năm 1979. Theo quy luật thông thường, giá cả tăng lên sẽ khuyến khích các công ty đầu tư.
Hiệu quả
Chỉ số Topix của TTCK Nhật Bản đã tăng tổng cộng 61% kể từ khi vị Thủ tướng 59 tuổi đắc cử hồi tháng 12 năm ngoái. Thị trường tăng điểm bởi nhà đầu tư lạc quan rằng chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức lớn chưa từng có trong lịch sử cùng với quá trình bãi bỏ các luật lệ ràng buộc sẽ có thể giúp Nhật Bản thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay. Tăng trưởng đã trở lại sau khi đồng yên yếu hơn giúp ích cho các nhà xuất khẩu. Bước tiếp theo là tăng thuế và cắt giảm các chương trình an sinh xã hội để giảm bớt gánh nặng nợ nần (Nhật Bản hiện là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất thế giới).
Nhà đầu tư đang mong đợi những điều chi tiết hơn về nỗ lực tăng khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân (ví dụ như thay đổi các quy định về lao động vốn đã có từ những năm 1960). Đây là lĩnh vực mà ông Abe phải đối mặt với nhiều nhóm lợi ích (gồm những người nông dân, các nhà sản xuất thuốc và các công ty điện nước).
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, chương trình Abenomics dở dang có thể làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, khiến GDP giảm 2 điểm phần trăm mỗi năm.
Tranh cãi
Những người ủng hộ Abenomics nhận định chương trình mua lượng trái phiếu khổng lồ của NHTW Nhật Bản là cách duy nhất để chấm dứt giảm phát và ngăn chặn tình trạng nền kinh tế trì trệ. Abenomics được người dân trong nước ủng hộ. Đảng Dân chủ tự do (LDP) do ông Abe lãnh đạo đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Thượng viện ngày 21/7 vừa qua.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về Abenomics. IMF cảnh báo quy mô in tiền quá lớn có thể gây rối loạn các thị trường toàn cầu bởi lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ tăng lên đồng thời khiến nợ quốc gia không bền vững. Mặc dù vậy, hiện nay lợi suất trái phiếu của Nhật Bản vẫn là thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Cuộc tranh luận về Abenomics cũng đã khiến thị trường cổ phiếu và trái phiếu biến động. Nhà đầu tư đang mong chờ những dấu hiệu cho thấy ông Abe sẵn sàng thực hiện những bước táo bạo hơn, ví dụ như tham gia vào hiệp định thương mại do Mỹ chủ trì để cho phép người dân tiếp cận nhiều hơn với các hàng hóa và dịch vụ nước ngoài. Cắt giảm thuế đánh vào doanh nghiệp và hoạt động đầu tư vốn cũng là những động thái được cân nhắc.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg